Nội thất Trung Quốc nhái hàng hiệu dưới góc nhìn của dân trong nghề

Nội thất Trung Quốc nhái hàng hiệu dưới góc nhìn của dân trong nghề

Trúc Ly

Chủ nhật, 21/04/2024 – 18:38

(Dân trí) – Ngày càng nhiều món đồ nội thất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới bị làm giả, làm nhái với đường nét tinh vi nhưng giá bán chỉ bằng 1/20, thậm chí 1/30 bản gốc.

Chỉ cần lướt Taobao, 1688 (những ứng dụng thuộc hệ sinh thái Alibaba của Trung Quốc), mọi người dễ dàng tìm thấy những đơn vị kinh doanh đồ nội thất giống hàng thật tới 90% nhưng giá chỉ bằng 1/20, thậm chí 1/30 so với hàng thật.

Theo chị Loan Nguyễn – một người kinh doanh hàng nội thất lâu năm, Trung Quốc đã xô đổ nhiều định nghĩa về đồ nội thất xa xỉ. Chị lấy ví dụ, sofa Bubble là mẫu sofa biểu tượng của thương hiệu Roche Bobois (Pháp) với giá bán trên dưới cả tỷ đồng.

Tuy nhiên, mẫu sofa này khi được làm nhái tại Trung Quốc chỉ có giá bán vài chục triệu đồng với những đường nét mà nếu là người không có kinh nghiệm thì nhìn mắt thường cũng khó để phân biệt.

Thông thường, những người thợ tay nghề của Trung Quốc sẽ có mặt tại các showroom đồ nội thất chính hãng trên thế giới để sờ, chạm, trải nghiệm, đo kích thước, kiểm tra vải, sau đó sẽ làm lại với tỷ lệ tương tự. Do vậy, hiện tại, nhiều thương hiệu đồ nội thất trên thế giới đã ra quy định không được quay, chụp sản phẩm của họ khi tham quan showroom.

Sofa Bubble – mẫu sofa biểu tượng của thương hiệu Roche Bobois – bị làm giả, làm nhái khá nhiều (Ảnh: Roche Bobois).

Chị Loan Nguyễn cho hay trên các ứng dụng Taobao, 1688, thông thường các chủ xưởng chỉ đăng hình ảnh mẫu, sau đó khi có khách hàng tìm đến, họ sẽ cùng nhau trao đổi, thương lượng về giá trên một ứng dụng khác là Wechat.

Tại đây, hai bên chủ yếu làm việc dựa vào lòng tin, không thông qua bên thứ ba để giảm các loại phí sàn. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro bởi nếu có vấn đề, người mua khá khó khăn trong việc đòi lại công bằng.

Kinh doanh đồ nội thất tại Việt Nam được gần 20 năm, chị Loan cho biết bản thân chị từng là người anti đồ nội thất nhái (nói không với việc sử dụng hàng nhái – PV). Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, chị Loan buộc phải chấp nhận sự thật rằng đồ nội thất Trung Quốc dễ bán, dễ tiếp cận thị trường vì giá cả phải chăng, đa dạng mẫu mã.

Tuy vậy, nếu thực sự là người yêu đồ nội thất, có cái nhìn kỹ càng về từng sản phẩm, đồ nội thất nhái sẽ không mang lại trải nghiệm tốt về mặt cảm xúc. Đầu tiên, đồ nội thất nhái thường vẫn còn chỉ thừa đối với những sản phẩm như sofa, ghế bành, hay các đường nét trên mặt gỗ không thực sự láng mượt đối với bàn trà, giường, bàn ăn…

Ngoài ra, khi mua một sản phẩm hàng nhái của thương hiệu nổi tiếng thế giới, bản thân người sử dụng có thể hiểu rằng sản phẩm mình sở hữu không được trải qua các quy trình kiểm tra kỹ càng trong khâu sản xuất, chất liệu sử dụng không đạt các chứng chỉ an toàn của thế giới.

Bên cạnh đó, đối với một vài món đồ nội thất khó sản xuất, hàng nhái thường bị sai tỷ lệ nên khi sử dụng sẽ không cho cảm giác thoải mái.

Không riêng Trung Quốc, hiện tại, nhiều quốc gia khác cũng sản xuất các món đồ nội thất nhái của các thương hiệu lớn. Những món đồ bị nhái thường là sản phẩm biểu tượng của một thương hiệu quốc tế, từng được nhiều người nổi tiếng, ngôi sao tầm cỡ sử dụng. 

Để lách luật về vi phạm bản quyền, những đơn vị này thường cố tình sản xuất khác bản gốc một vài chi tiết, hoặc có thể không dập logo. Nhìn chung, các đơn vị sản xuất hàng nhái có thể sản xuất theo đơn đặt riêng của từng khách hàng và cho phép từng khách hàng thương lượng về giá.

Tuấn Anh – một người yêu nội thất – cho biết anh không thích sử dụng hàng nhái. Cũng với số tiền đó, anh có thể mua một sản phẩm của thương hiệu nhỏ, không tên tuổi nhưng chất lượng khá chỉn chu. Ngoài ra, anh không bị cảm giác rằng mình đang sử dụng hàng nhái, hàng giả.

Tuấn Anh thừa nhận rằng nội thất xa xỉ mang lại trải nghiệm rất xứng đáng, tuy vậy, giá của những món đồ này không hề rẻ. Có thu nhập tầm trung, anh không thể mua chiếc sofa trị giá 700-800 triệu đồng, chiếc giường 300 triệu đồng hay một chiếc kệ tivi 200 triệu đồng.

Do đó, Tuấn Anh chọn giải pháp tham khảo một vài chi tiết của các sản phẩm xa xỉ, sau đó chọn lọc, để kiến trúc sư đưa ra bản vẽ riêng cho món đồ của căn nhà. Như vậy, sản phẩm của Tuấn Anh vừa độc bản, vừa không phải hàng nhái. 

Cách này cũng được nhiều người áp dụng để tránh việc mua hàng giả, hàng nhái và cũng giúp bản thân gia chủ thể hiện được gu thẩm mỹ của chính mình.

Source

Related posts

Resort thu nhỏ trong nhà phố ‘dài sâu, hẹp ngang’

Làm nội thất khoe bộ sưu tập hàng trăm triệu đồng

Bất ngờ với những ‘góc chết’ trong nhà khiến không gian đổi mới không ngờ