Nhiều gia chủ đặt vật phẩm phong thủy trong nhà như tỳ hưu, thiềm thừ, tượng… với mong muốn nâng cao tài lộc, dồi dào vượng khí. Theo KTS Nguyễn Đức Hiếu (Công ty Phong thủy Kiến trúc TPT), vật phẩm chỉ mang tính chất hỗ trợ chứ không quyết định toàn bộ phong thủy.
Khi trưng bày vật phẩm, ông cho rằng gia chủ cần nắm các quy tắc sau để hài hòa phong thủy và thẩm mỹ cho không gian sống.
Đối với phòng khách, gia chủ có thể chọn những vật phẩm có tính chất trang trí, chuyển động hoặc có âm thanh để tạo thêm nhiều năng lượng cho nơi này. KTS gợi ý gia chủ treo chuông gió, ngọc hoàng long, bày hồ cá, thác nước, thiềm thừ, tỳ hưu, tượng Phúc Lộc Thọ…
Với không gian riêng tư như phòng ngủ, vật phẩm phong thủy gồm ngọc bội, quả cầu đá, hồ lô… được ưu tiên bởi chúng đảm bảo tiêu chí gọn nhẹ, tĩnh tại. Còn phòng làm việc, không gian học tập, gia chủ cần trưng vật phẩm đem lại sự tập trung, tĩnh lặng, khơi gợi sức sáng tạo như tháp văn xương, gậy như ý, ngựa phong thủy…
Cuối cùng là phòng thờ, một nơi trang nghiêm, gia chủ có thể chọn lục bình, tượng Phật, tranh trúc chỉ, đôi hạc đồng, bát tụ bảo… để trưng bày.
Vật phẩm phong thủy phải đặt đúng vị trí thì mới phát huy năng lượng. Nguyên tắc đặt vật phẩm cần dựa vào tính chất không gian, công dụng và đặc tính ngũ hành của vật phẩm. Cụ thể, gia chủ phải xác định hướng nhà, khu vực đặt, muốn kích hoạt phong thủy tốt hay hóa giải phong thủy xấu để lựa chọn món và vị trí.
Ví dụ, với hướng nhà có sao Bát Bạch (ngũ hành thuộc Thổ), chủ nhà có thể chọn chuông gió bằng đá, ngũ hành Thổ. Vị trí đặt nên ở trước cửa nhà hoặc phòng khách để đón sao Bát Bạch, không nên đặt phía sau nhà vì sẽ đón một sao với ngũ hành khác.
Mỗi đồ vật đều có màu sắc, hình khối, vật liệu… nên chúng mang một hoặc nhiều ngũ hành nhất định. Vật dụng cơ bản như bàn, ghế, giường hay vật trang trí: tranh, ảnh, màu sơn… cũng sẽ giúp thay đổi phong thủy.
Vì thế, gia chủ hoàn toàn có thể linh hoạt thay thế những bức tượng cầu kỳ, linh vật cổ điển bằng vật dụng nội thất có chất liệu, màu sắc, hình dáng hài hòa với không gian. Thay vì quan tâm đến ý nghĩa món đồ trưng bày, nên xác định phương vị may mắn và mang “ngũ hành” tương ứng vào vị trí đó để kích hoạt phong thủy nhưng không phá vỡ kiến trúc của nhà.
Ví dụ, thay vì trưng tượng tỳ hưu với mong muốn tăng may mắn nhưng lại không phù hợp với phong cách kiến trúc của nhà, gia chủ có thể xác định phương vị Sinh Khí (đem lại may mắn). Sinh Khí mang ngũ hành Mộc, vậy đặt 1 chậu cây xanh ở vị trí này sẽ mang lại hiệu quả tương ứng.
Bình Nghi