Nhiều người đến nhà nữ gia chủ 9X tại Nam Từ Liêm, Hà Nội đều ấn tượng bởi hệ tủ kính trưng bày hơn 30 mô hình đồ chơi gấu Kaws & Bearbrick ở phòng khách. Đây là loại đồ chơi có giá trị sưu tầm bởi độ hiếm và tạo hình độc đáo, là cách thể hiện đẳng cấp của “giới Hypebeast” (người chạy theo trào lưu). Phiên bản 30-35 mm có giá từ 10-20 triệu đồng, mức giá tăng dần đối với các kích cỡ lớn hơn. Với các phiên bản kết hợp cùng thương hiệu nổi tiếng, giá mô hình lên đến hàng trăm triệu.
Mô hình được sắp xếp vào hệ tủ kính sát trần, chiều dài 5 m, chất liệu gỗ có vân hiệu ứng, phần cánh thiết kế đóng kín, kết hợp đèn led phía trong để làm sáng và nổi bật đồ trưng bày.
Ngoài việc bảo quản và sắp xếp mô hình gọn gàng, tủ trưng bày còn trở thành điểm nhấn nội thất cho phòng khách rộng 50 m2 vốn có màu sắc chủ đạo là đen – xám, giúp không gian cân bằng giữa các yếu tố vật liệu: gỗ, đá và kính.
Trong một tháng gia nhập “đường đua” săn đồ chơi nghệ thuật, Thanh Thủy (TP HCM) đã có trong tay hơn 70 mô hình Labubu, Crybaby, Bao-ao Cuddle… Số lượng nhiều nhất là Labubu, một nhân vật trong bộ sưu tập “The Monsters” do họa sĩ Kasing Lung sáng tạo cho Công ty PopMart. Trung bình mô hình Labubu nhỏ có giá từ 1-1,5 triệu đồng, với hộp đã xác định là “secret” (hiếm) giá từ 4,5-5 triệu đồng, còn phiên bản giới hạn có giá từ 20 triệu đồng trở lên.
Bộ sưu tập của Thủy có các dòng Labubu đang “hot” hiện nay như Macaron V1, Have a Seat V2… đến dòng giới hạn như Catch me “if you like me”, Vans, Zimomo… Tổng giá trị khoảng hơn 200 triệu đồng.
Do chất liệu của Labubu làm từ vinyl (phần mặt) và bông mềm (phần thân) dễ bám bẩn và trầy xước nên Thủy ít dùng để trang trí túi xách, quần áo mà trưng bày tại phòng riêng. Cô dùng hệ tủ kính 5 tầng, có đèn LED chiếu sáng để bày các mô hình nhỏ, phân loại theo phiên bản phát hành.
Đặc biệt, Labubu cỡ lớn sẽ đựng trong các hộp kính được thiết kế riêng với phần background minh họa cho bối cảnh, câu chuyện của từng nhân vật. Chẳng hạn, Labubu dòng Vans Off The Wall là con quái vật trượt ván được đặt vào hộp kính có nền vẽ graffiti đậm chất đường phố, Labubu dòng Zimomo như một chú gấu xù lông sẽ phù hợp với nền rừng rậm thiên nhiên.
Yêu thích văn hóa Nhật Bản, Nguyễn Đức Giang (Hà Nội) bắt đầu sưu tầm các bộ truyện tranh, mô hình nhân vật hoạt hình anime từ ngày còn là sinh viên. Tuy nhiên, do nhà cũ nhỏ, không có chỗ trưng bày riêng, anh đặt rải rác các món sưu tập ở khắp nơi trong nhà hoặc nhét vào thùng.
Khi xây nhà mới, Giang quyết định cải tạo phần gác mái rộng 40 m2 để có riêng một phòng trưng bày hơn 100 mô hình nhân vật từ kích cỡ mini đến khổng lồ cùng các bộ sách, truyện gắn liền với thế hệ 8X, 9X như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Pokemon… Tổng giá trị các món sưu tầm lên đến hàng trăm triệu.
Phòng “triển lãm” này tích hợp thêm góc làm việc của Giang và hệ thống Smarthome để tăng tiện nghi, trải nghiệm. Phòng trở thành góc riêng thư giãn, không chồng chéo trong công năng sinh hoạt và là nơi anh tự hào giới thiệu mỗi khi khách đến chơi.
Điểm nhấn ở góc nhà
Hơn 200 tiêu bản xương động vật lớn nhỏ được Nguyễn Nghĩa (TP HCM) bày trí ở một góc phòng khách rộng 30 m2. Bộ sưu tập này gồm mẫu vật xương, tiêu bản nhồi của một số loài như rắn, cá, dơi, ngựa, cú mèo, quạ, diều hâu… được sưu tầm trong nước, mua về từ Thái Lan hoặc do chính tay Nghĩa xử lý, tạo hình. Tiêu bản xương là “cuộc sống mới” của những loài động vật chết vì bệnh tật, dùng để trưng bày, phục vụ nghiên cứu và khoa học.
Nghĩa sử dụng tủ và kệ dạng đứng, tone chủ đạo là đen và nâu cùng một số chi tiết trang trí toát lên vẻ ma mị, mang đậm chất châu Âu. Tiêu bản xương của cá được đặt trong bể thủy tinh, xương sọ và sừng của thú lớn sẽ được treo trên tường. Một số tiêu bản hiếm, khổng lồ sẽ được dựng ở một góc riêng. Máy lọc không khí và hút ẩm được sử dụng để bảo quản mẫu vật tốt hơn.
Thay vì tổng hợp và sắp xếp thành một góc, Vũ Huy – một kiến trúc sư ở Hà Nội biến các món đồ sưu tầm của anh trở thành nội thất để tô đậm chất riêng cho không gian sống.
Huy dành nhiều năm để sưu tập các món nông cụ, đồ dùng đặc trưng của đồng bào dân tộc khắp mọi miền đất nước. Khi cải tạo nhà, anh mong muốn có một không gian chữa lành và trưng bày bộ sưu tập để lưu giữ nét văn hóa vùng miền Việt Nam, thỏa niềm đam mê với vật liệu truyền thống.
Trong căn nhà phố 5 tầng ở Hà Nội với mái ngói 3 lớp, cột kèo, sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, trúc, gỗ… và tone nâu đất chủ đạo, những món đồ sưu tập được tận dụng để bày trí khắp nơi. Những chiếc rương nhiều màu của người Thái được sử dụng như tủ đầu giường, cối xay biến thành kệ trang trí, mâm gỗ tận dụng làm tranh treo ở đầu giường… điểm thêm cho không gian nhà sự mộc mạc, giản dị và “chất” xưa.
Chủ nhân bộ sưu tập làm việc trong lĩnh vực tài chính, có sở thích sưu tầm tranh nghệ thuật và cổ vật. Bộ sưu tập tranh chủ yếu là 2 dòng tranh Đông Dương và Gia Định cùng đồ mỹ thuật trang trí, cổ vật như đồng hồ, thảm… xuất xứ từ nhiều quốc gia, đa dạng về phong cách, văn hóa và thời kỳ.
Khi thiết kế nhà, anh mong muốn tạo ra một không gian hòa hợp để vừa trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật, vừa đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi cho gia đình. Không gian có chủ đích thiết kế thiên hướng Contemporary và Modern, không nhấn mạnh vào các chi tiết trang trí rườm rà mà tập trung vào mảng miếng, hình khối lớn đơn sắc. Những vật liệu như gỗ ấm, gạch gốm, sàn đá mài được bổ sung để không gian vẫn giữ được tinh thần Contemporary, nhưng phảng phất sự ấm áp, trầm, mộc, bổ trợ cho bộ sưu tập.
Những món đồ đặc biệt sẽ được trưng bày nhiều hơn ở khu vực cá nhân của anh như phòng đọc sách – làm việc, nghe nhạc, thư giãn để không ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung của cả gia đình.
Bình Nghi