Ngôi nhà nằm ở trung tâm khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, thuộc quyền sở hữu của ông Lương Văn Quang (SN 1973) ở xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Ông Quang sinh ra và lớn lên trong gia đình có 12 đời làm nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc và học điêu khắc đá, nên muốn xây dựng một ngôi nhà vừa để sinh hoạt, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Tòa lâu đài bằng đá của gia đình ông Quang được xây dựng trong vòng 14 năm. Ảnh: Trần Nghị

Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh Ninh Vân, kết hợp với đồ gỗ, bê tông, ngói đỏ và một số đá trang trí được lấy từ miền Trung và vùng Tây Nguyên.

“Xuất phát từ niềm đam mê với nghề đá và muốn bảo tồn giá trị văn hóa về kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử của dân tộc Việt Nam nên tôi đã lên ý tưởng xây dựng ngôi nhà này. Sau này tôi muốn ngôi nhà của mình như một bảo tàng về lịch sử văn hóa dân tộc”, ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, ngôi nhà của ông được xây dựng trong vòng 14 năm (năm 2006-2020) trên tổng diện tích đất 3.000m2. Tòa nhà cao 27m, có 3 tầng, mỗi tầng có diện tích mặt sàn 450m2.

Bên trong ngôi nhà như “cung điện”. Ảnh: Trần Nghị
Vòm trần được trang trí hoa văn đậm nét văn hoá, lịch sử các thời kỳ phát triển của Việt Nam. Ảnh: Trần Nghị
Hành lang xung quanh ngôi nhà. Ảnh: Trần Nghị

Ngôi nhà được chính tay ông Quang thiết kế, thi công cùng với các nghệ nhân, thợ đá ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Để hoàn thành ngôi nhà, ông dùng khoảng 1.000m3 đá (nặng khoảng 3.000 tấn). 

Cũng theo ông Quang, từ nền móng, hệ thống cột, dầm xà… của ngôi nhà đều được liên kết từ những khối đá lớn, ráp nối với nhau bằng hệ thống mộng, ngõng, sử dụng keo kết dính truyền thống là mật mía, vôi.

Điểm nhấn của ngôi nhà chính là khu vực đại sảnh (tầng 1) được gia chủ dùng để tiếp khách và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Không những thế trên 9 vòm trần tầng 1 của ngôi nhà được trang trí các hình tượng phát triển của 4.000 năm lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Bức phù điêu biểu tượng bông hoa cúc, xung quanh có các chùm nho, chim và sóc nặng hàng chục tấn. Ảnh: Trần Nghị
Hồ cá độc đáo trong huôn viên của ngôi nhà. Ảnh: Trần Nghị
Tầng 3 của ngôi nhà cũng có một lầu nghinh phong. Ảnh: Trần Nghị

Được biết, chủ nhân của ngôi nhà dùng toàn bộ tầng 1 và tầng 3 cho không gian văn hóa nghệ thuật mang đậm nét truyền thống Việt Nam, tầng 2 làm nơi sinh hoạt cho gia đình.

Ngôi nhà của ông Quang hoàn thành năm 2020, phục vụ du khách miễn phí và được rất nhiều người đến tham quan, chụp hình. Ngôi nhà cũng là điểm đến văn hóa, nghệ thuật giữa lòng Tam Cốc – Bích Động.

Nhà phố đậm chất Bắc Bộ giữa Tây Nguyên

Căn nhà phố nằm ngay trung tâm thành phố Pleiku, đậm chất kiến trúc Bắc Bộ, là nơi sinh sống của gia đình 3 thế hệ.