Bí quyết tránh hấp nhiệt, ngập nước cho mái che giếng trời
Nhắc đến giếng trời, mọi người nghĩ ngay đến giải pháp lấy sáng, thông gió hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, giếng trời còn tiềm ẩn rắc rối vì hấp nhiệt hay nước tràn lênh láng, gây ra sự bất tiện không hề nhỏ.
Giếng trời là khoảng không gian phương đứng, thông từ tầng trệt tới phần mái. Đây là giải pháp kiến trúc lấy sáng, thông tầng quen thuộc, nhất là ở những ngôi nhà ống thiếu sáng. Tùy vào nhu cầu sử dụng, gia chủ có thể che chắn toàn bộ, một phần hoặc để hở phần mái trên khu vực giếng trời. Vấn đề được quan tâm nhất cho khu vực này là che chắn khi nắng gắt, và tránh tình trạng ngập nước lúc mưa.
Ở nhiều vùng, mùa hè nắng gay gắt, nhất là vào buổi trưa nắng chiếu thẳng xuống giếng trời với cường độ mạnh có thể gây thừa sáng, chói lóa. Mái che giếng trời lúc này sẽ giúp chắn nắng và điều tiết hiệu quả lượng ánh sáng. Còn vào những ngày mưa, nếu không có mái trời hay hệ thống thoát nước tốt, nước mưa sẽ tràn vào nhà ồ ạt gây ức chế cho gia chủ. Thêm vào đó, vấn đề an ninh cũng được đặt ra với những ngôi nhà không có biện pháp bảo vệ cho phần miệng giếng trời.
3 loại mái che giếng trời và những điều cần lưu ý
Mái che cố định
Mái che cố định là loại mái che được sử dụng nhiều nhất vì đơn giản trong lắp đặt cũng như có nhiều lựa chọn về giá cả. Với lựa chọn này, bạn nên sử dụng những vật liệu lấy sáng và chịu nhiệt tốt như tấm poly dày hay kính cường lực.
Tuy nhiên, vì là cố định, nên mái che này phải chịu nắng gắt chiếu cả ngày, nguy cơ bị hấp nhiệt là không tránh khỏi. Bạn có thể dán thêm những tấm phim cách nhiệt ở mặt trong mái che hoặc lắp thêm ô gió để thoát hơi nóng.
Mái lợp di động
Bạn không thể tận hưởng trọn vẹn những ngày trời lộng gió hay đêm sao sáng thanh mát khi sử dụng mái che cố định, nhưng với mái lợp di động, điều ấy là có thể. Loại mái này cho phép bạn có thể đóng – mở giếng trời của mình theo nhu cầu sử dụng, tuy nhiên giải pháp này có giá thành đắt hơn mái che cố định.
Ngoài ra, bạn cần đề phòng trường hợp vắng nhà mà quên là chưa đóng giếng trời bằng cách lắp thêm thiết bị điều khiển từ xa. Hiện trên thị trường có 3 loại mái lợp di động với giá tăng dần:
Mái kéo thủ công: Loại mái này buộc bạn phải tự đóng – mở giếng trời bằng những công cụ hỗ trợ.
Mái motor điện: Giống như cửa cuốn, chỉ cần một chiếc điều khiển bạn đã có thể chỉnh giếng trời đóng – mở rồi.
Mái gắn cảm biến: Khi trời mưa hệ thống cảm biến điện tử sẽ thu nhận tín hiệu của thời tiết để tự động đóng lại khi trời mưa và mở ra khi trời tạnh. Tương tự như vậy với những ngày trời nắng.
Giếng trời không mái che
Nhiều gia đình kết hợp giếng trời với khoảng thông tầng, kiêm vườn trong nhà. Nên khu vực này cần để hở giúp cho cây xanh có thể phát triển tự nhiên bằng ánh sáng mặt trời và mưa.
Nếu bạn muốn tận hưởng sự thông thoáng và sử dụng loại giếng trời này thì cần lưu tâm 2 vấn đề.
Thứ nhất, áp dụng các biện pháp an toàn như lắp thêm khung bảo vệ, thiết kế trần nhà có khe hở, hoặc lắp kính bao xung quanh khoảng giếng trời hở. Thứ hai, bạn cần lắp thêm hệ thống thoát nước mưa để đảm bảo nước không tràn hay ngập vào không gian khác trong nhà.
Giếng trời ngày càng xuất hiện nhiều trong các công trình Việt. Chỉ cần lựa chọn được giải pháp hợp lý, bạn sẽ sở hữu khu vực lấy sáng – thông gió tối ưu cũng như mang lại cho gia đình không gian sống thoáng sáng hơn rất nhiều.