Người nhà ông Đỗ Cao Thứa (tên gọi khác là Bảy Quý – sinh năm 1917), chủ nhân ngôi nhà cho biết: “Cha của ông Thứa là người xây dựng nên ngôi nhà này, đội ngũ thợ cả là những người được thuê mướn từ miền Bắc vào nuôi ăn uống trong thời gian 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà”.
Không còn ai nhớ rõ ngôi nhà được làm vào năm nào, chỉ biết từ nhỏ lúc sinh ra đã ở trong ngôi nhà này. Người đi trước kể lại công cuộc xây nhà vô cùng công phu và tốn kém. Muốn có đất dùng đổ nền nhà phải cần có đội ngũ nhân công lực lưỡng và hùng hậu đi lấy từ ấp Bình Hóa, xã Thạnh Phước (nay là phường Thạnh Phước). Sau đó, vận chuyển bằng xe bò đến bến đò thuộc xã Uyên Hưng, rồi từ đó dùng ghe chở qua sông về cù lao Bạch Đằng. Tại đây, có đội ngũ nhân công gánh đất tiếp tục về vị trí xây dựng ngôi nhà.
Nhà cổ Đỗ Cao Thứa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, có diện tích là 500m2. Ngày 02/6/2004, UBND tỉnh Bình Dương công nhận ngôi nhà này là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ cấp tỉnh . |
Ngôi nhà xây dựng theo phong cách kiến trúc chữ Đinh nằm ngang với một nhà trên và nhà dưới, mái lợp ngói âm dương dày, tạo sự mát mẻ về mùa khô và ấm áp khi mùa mưa. |
Mái trước có độ chúi thấp cách nền nhà 1,8m cùng khoảng sân vườn nhìn bên ngoài ngôi nhà trông khá đơn giản. |
Nền nhà cao hơn mặt đất 0,8m, xung quanh nền được bao bọc bằng những thanh đá ong có bề ngang 30cm rất kiên cố, vững chắc. |
Hành lang có chiều rộng 1,2m với hàng cột gồm có 11 cây, chiều cao 1,8m được đúc rất kiên cố, mỗi cột được kê trên một tảng đá đục tròn cao 30cm. |
Bên trong ngôi nhà, bàn thờ gia tiên đặt theo lối kiến trúc bàn thờ người Việt, ở giữa là án thờ, với bức khánh thờ được chạm khắc hoa văn cổ, một bản văn tự chữ Hán đặt vị trí giữa khánh thờ. Bên ngoài là đôi câu liễn đối ốp vào hai cột hai bên bàn thờ. |
Tấm hoành phi vẫn còn rõ nét (Phiên âm chữ Hán: Đỗ Phủ Từ – Nhà thờ của họ Đỗ) |
Trong nhà có 36 cột lớn bằng gỗ được làm từ những loại gỗ quý trong vùng, mặt gỗ trải qua thời gian dài vẫn bóng loáng, hai đầu cột hơi thu nhỏ, phần giữa cột phình to. |
Cho đến nay, đã qua nhiều thế hệ ngôi nhà vẫn được bảo lưu và gìn giữ, vì đây là một chứng tích ghi dấu quá trình phát triển về kinh tế, văn hóa- xã hội của người Việt trên vùng đất cù lao màu mỡ – cù lao Bạch Đằng. |
BÌnh Dương
Bạch Đằng
cù lao
nghệ thuật
kiến trúc